Rùa tai đỏ ra môi trường: Đại hoạ với nông nghiệpKhi thoát ra môi trường, rùa tai đỏ sẽ làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học, không những thế chúng còn tàn phá nông nghiệp và gây bệnh cho con người.
Nguy hiểm hơn cả ốc bươu vàngDu nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay, rùa tai đỏ được nuôi với mục đích làm cảnh và chế biến thành món ăn. Thế nhưng các nhà khoa học cho hay đây là một trong những loài động vật xâm hại môi trường nguy hiểm nhất thế giới
"Bài học nhãn tiền đã có, đó là ốc bươu vàng, bọ dừa , chuột hải ly... giờ là rùa tai đỏ. Bộ NN&PTNT cần xem lại trách nhiệm của mình trước việc cho nhập các loài này. Những sai lầm trên đây đã góp phần gây hại cho ngành nông, ngư nghiệp và môi trường, góp phần làm chậm sự nghiệp xóa nghèo đói ở nông thôn Việt nam."(TS. Nguyễn Đình Hoè - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN)
TS. Nguyễn Tuần - Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) cho biết: “Sức tàn phá của rùa tai đỏ đối với môi trường nghiêm trọng hơn nhiều so với các loại động thực vật du nhập trước đây như ốc bươu vàng, bèo tây, cây mai dương…
Khi thoát ra tự nhiên, rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái”.
Thực tế loài sinh vật xâm hại này đã thoát ra môi trường tự nhiên từ rất lâu rồi. Phó Giáo sư Hà Đình Đức - chuyên gia nghiên cứu về rùa Hồ Gươm (Hà Nội) cho hay: “Từ năm 1997 loài sinh vật nguy hiểm này đã xuất hiện ở Hồ Gươm do người dân nuôi làm cảnh sau đó phóng sinh. Đó là mối đe doạ lớn đến sự tồn vong đối với rùa Hồ Gươm. Các cụ rùa Hồ Gươm đang phải cạnh tranh khốc liệt nguồn thức ăn với rùa tai đỏ”.
Không chỉ có vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ tàn phá nông nghiệp của rùa tai đỏ khủng khiếp hơn rất nhiều so với ốc bươu vàng.
TS. Nguyễn Đình Hoè - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho rằng: “Rùa tai đỏ gây hại cả về mặt thuỷ sản và trồng trọt bởi nó ăn cả động vật cả thực vật nước. Mức độ tàn phá của nó thì kinh khủng hơn ốc bươu vàng vì nó to hơn khoẻ hơn sống lâu hơn và ăn tạp hơn”.
Đồng nhất với quan điểm trên, GS. Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP. HCM) nhận định: “Với khả năng sống dai và dễ thích nghi môi trường mới, nhất là kiểu khí hậu của Việt Nam, một khi rùa tai đỏ sinh sản, phát tán ra môi trường theo nguồn nước thì rất khó có thể kiểm soát chúng”.
Gây bệnh cho con ngườiCụ thể, chúng có thể lây truyền vi khuẩn salmonela gây tiêu chảy và thương hàn cho người, nhất là những người sống ở vùng sông nước. Theo bà Phạm Mai Phương - Phó phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản- Bộ NN&PTNT): “Loài rùa này có thể gây bệnh cho người qua tác nhân môi trường và qua tiếp xúc.
Bởi vậy những người nuôi loài sinh vật này có thể dính bệnh bất cứ lúc nào. Ngoài ra trong quá trình chế biến thức ăn nếu không cẩn thận giết mổ rùa cũng sẽ mắc các loại bệnh do rùa tai đỏ mang đến”.
Mỹ, Australia: Kiểm soát nghiêm ngặt rùa tai đỏMạng tin Naples News.com cho biết, rùa tai đỏ bị cấm tại Australia và Mỹ vì chúng được xem là loài xâm lấn môi trường của nhiều loài sinh vật bản địa. Ở Australia, những người sở hữu rùa tai đỏ dưới bất cứ hình thức nào cũng có thể bị phạt tiền lên tới 100.000 USD (1,9 tỷ đồng). Ở Mỹ, những người nuôi rùa tai đỏ làm cảnh không được phép thả chúng lại môi trường tự nhiên. Chủ sở hữu rùa phải có trách nhiệm “đóng gói” con rùa và gửi về Ủy ban phụ trách nghiên cứu hoang dã (FWC). Năm 1970, Mỹ đã ban hành một sắc lệnh liên bang cấm buôn bán rùa tai đỏ có chiều dài dưới 10cm, do loại khuẩn salmonela tồn tại trong cơ thể rùa có biểu hiện lây nhiễm cho trẻ em. Ước tính từ năm 1988-1994, Mỹ xuất khẩu khoảng 26 triệu con rùa tai đỏ ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra tất cả các thành viên liên minh châu Âu cũng đã cấm nhập khẩu loại rùa này.
Linh An- Đình Thắng