Mùa này là mùa nấm mối. Ở những nơi gò cao trong các thửa vườn đã có nấm mọc lai rai. Bọn trẻ háo hức, có đứa đã chuẩn bị sẵn con dao nhỏ hái nấm từ tháng trước.
Mùa nấm về rồi qua đi, để lại nhiều kỷ niệm khó quên, sự mong đợi nhổ được nhiều nấm vào mùa sau. Ở Bến Tre, nấm mối có nhiều ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày…
Nấm mối được hình thành từ meo đặc biệt của một loại mối chuyên sinh ra nấm. Mối này hình thù giống như bọn mối ăn gỗ thông thường nhưng lại làm tổ dưới mặt đất, nơi gò cao. Tổ nấm mối là những mô xốp cỡ chiếc tô. Trong đó có vô số mối gồm: mối "chiến binh" với đôi càng ở miệng sắc to, cắn rất đau; mối thợ chuyên sản sinh meo nấm cùng nhiều mối con… Một gò nấm có vài chục tổ như vậy. Các tổ liên kết nhau bởi những con đường hầm nhỏ. Mối chúa ở tổ trung tâm nơi sâu nhất, chuyên việc sinh sản. Nó to cỡ đầu đũa dài hơn 3cm, thân mềm, màu trắng đục, các chân thoái hóa, di chuyển chậm chạp.
Vào mùa nấm mọc, bọn mối thợ lăng xăng tạo meo quanh tổ, chờ ngày nấm rẽ đất mọc lên. Khởi đầu meo phát triển trong tổ thành nhiều mầm nấm trông như những mũi tên trắng xóa, rất đẹp. Những mầm nấm này hút chất dinh dưỡng trong tổ nấm để lớn dần và rẽ đất mọc lên. Các cụ già gọi giai đoạn này là "nấm thâm kim", "nấm nứt đất" chưa thu hái được vì cái nấm còn rất bé. Vài ngày sau, nấm phát triển thành "nấm búp" có hình như cây dù chưa mở lên trông rất hấp dẫn. Sau đó, tán nấm xòe ngang ra nở trọn vẹn gọi là "nấm mở" hoặc "nấm tán dù". Ngày sau, nấm héo úa, hư hoại dần, gọi là "nấm tàn". Nấm tàn người ta không ăn được, nhưng là món ăn khoái khẩu của chính bọn mối tạo ra nó và các loài côn trùng.
Các gò nấm mọc với chu kỳ một năm khá chính xác. Ví dụ có gò nấm tìm được, nhổ vào ngày rằm năm nay thì đúng ngày ấy năm sau ra đó tìm ắt thấy có nấm.
Niềm vui mùa nấm
Nói về cảm giác của người đi tìm mà bắt gặp gò nấm mối dù ít hay nhiều, thì cái niềm ngất ngây vui sướng tràn đến thật khó tả. Cứ như là đang đói bụng chợt được mời đi ăn cỗ vậy!
Người ta có những quy ước, ngầm hiểu với nhau về cách thu hái nấm khá tốt đẹp. Ví dụ, một người tìm thấy gò nấm nứt đất ở khu vườn nào đó, nấm còn nhỏ, lấy lá dừa đậy lại đợi nấm lớn mới nhổ. Người khác đi kiếm nấm thấy gò nấm đậy, dù nhiều cách mấy cũng không hái vì biết nấm này "có chủ". Vài hôm sau "người chủ" dẫn cả nhà ra nhổ nấm.
Với hương vị đặc thù, nấm mối đem lại cho con người những món ăn tuyệt hảo mà mỗi năm ta chỉ được thưởng thức vài lần. Trùng hợp với nấm mọc trên gò cao, ở dưới nước có con cá bống trứng sắp vào mùa sinh sản. Bụng mang cặp trứng vàng ươm, cá chạy hàng đàn theo con nước lớn, ròng vào nò, vào lọp. Mùa này, ngày mưa tiết trời mát dịu, mây bay bàng bạc. Trong khung cảnh đó với bữa cơm gia đình có món cá bống trứng và nấm mối búp kho tiêu, ớt ăn với cơm nóng, càng làm cho cảm xúc dưới trời quê thêm sâu nặng.
Ngoài nấm mối kho tiêu với cá bống trứng là món ngon tuyệt, người ta còn chế biến nấm với nhiều món ăn độc đáo khác. Nấm mối nấu canh mỡ, dùng cho cả nấm búp và nấm nở. Nấm um dừa lá cách, dùng cho nấm nở nấu với nước cốt dừa, nêm lá cách. Nấm xào măng tươi (nấm búp) ăn rất giòn thơm. Nấm kho chay với khổ qua, có thể dùng nấm tươi hoặc nấm phơi khô, hoặc dùng nấm búp nhỏ kho với nước tương nêm thêm dầu ăn, tiêu, ớt. Nấm làm nhân đổ bánh xèo, cùng với tôm, thịt. Nấm mối nướng: dùng những tai nấm búp to lớn đặc biệt, nướng lửa than hay nấm xào gan heo, mực, tôm dùng để "lai rai".v.v… Đó là những món ngon, tinh túy, quà tặng đặc biệt của quê hương.