Lan có cần phân bón hay không? Người cho rằng cần, người nói rằng không, vì lan ở trong rừng đâu có phân bón? Nói như vậy không đúng bởi vì ở trong rừng, lan có phân chim, phân ong bướm, xác côn trùng, lá cây mục nát có thể bồi dưỡng cho cây. Hãy so sánh giữa cây lan rừng và những cây lan nuôi trồng công nghệ, chúng ta sẽ có một nhận định rõ rệt.
Khoa học đã cho ta thấy là bất cứ loài cây nào cũng cần đến phân bón, nhưng mỗi loài cần một mức độ khác nhau. Nếu bón đúng cách, đúng hàm lượng cây sẽ mọc nhanh, mọc mạnh, hoa nhiều, quả sai và củ lớn. Nếu bón quá ít, kết quả sẽ không được như ý muốn. Trái lại bón quá nhiều sẽ làm cháy rễ và cây sẽ chết. Đầu lá lan bị cháy là dấu hiệu bón quá nhiều phân.
Sau bao nhiêu năm nghiên cứu người ta biết rằng tất cả loại phân bón dù là hữu cơ như phân bò, phân gà, phân cá, vỏ sò v.v... hay phân hóa học đều gồm 3 thành phần theo thứ tự N-P-K, nhưng chỉ có phân hóa học các nhà chế tạo mới phân chất rõ ràng.
PHÂN HÓA HỌC• Chất đạm (Nitrogen) để tốt cho lá và cho cây mọc mạnh
• Chất lân (Phosphorus) để bón cho hoa và quả.
• Chất ka-li (Potassium) để bón cho rễ hay củ
Những chất này thường biểu tượng nhiều hay ít bằng 3 nhóm chữ số. Thí dụ:
⇒ 30-10-10 tức là chất Nitrogen nhiều gấp 3 lần hai chất kia giúp cho lá và cây mọc mạnh.
⇒ 10-30-20 tức là trong phân có 1 phần Nitrogen, 3 phần Phophorus và 2 phần Potassium
⇒ 20-20-20 tức là 3 phần đều nhau.
» Thiếu chất đạm lan sẽ mọc chậm, lá sẽ quặt quẹo vàng vọt
» Thiếu chất lân lan ra rễ ít, lá mầu xanh tím, khó ra hoa.
» Thiếu Ka li cây không phát triển, là vàng úa.
Kinh nghiệm cho biết rằng:
• Những cây ở ngoài ánh nắng cần nhiều phân hơn những cây mọc trong bóng mát.
• Chỉ nên pha với ½ hay ¼ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
• Cây nguyên giống (species) cần ít phân hơn những cây lai giống (hybrids).
• Bón ít phân cây không chết, trái lại bón nhiều phân có thể làm chết cây.
• Nên bón với dung lượng thấp tức là chỉ ½ hay ¼ lời chỉ dẫn và bón hàng tuần (Fertilize weakly and weekly)
• Nên dùng những thứ phân có thể hòa tan trong nước mà không đóng cặn.
• Không nên dùng phân có chất Urea vì phải cần một thời gian mới có tác dụng.
• Không nên dùng phân viên, phân que hay phân hột có thể làm cháy rễ
• Không nên dùng phân chậm tan (slow released) vì phải trên 70°F hay 21°C mới tan
• Địa lan (Terrestrial) cần nhiều phân bón hơn phong lan (Epiphyte)
• Không nên dùng phân bón cho cỏ hay các cây cối khác để tưới cho lan, vì những loại phân này rất mạnh. Thí dụ 30-10-10 mạnh gấp 10 lần 3-1-1.
• Không nên bón phân khi rễ cây quá khô, tốt nhất là tưới nước ngày hôm trước, hôm sau sẽ bón phân. Cây sẽ không bị sót và phân dễ thấm vào trong chậu.
PHÂN HỮU CƠNhững thứ phân này không được phổ thông bởi vì ít có người chế tạo, ngoại trừ nước cá (fish emulsion) có chỉ số 3-1-1. Các thứ phân khá phổ biến như phân bò phân, phân gà, bánh dầu v.v... cần phải để cho mục sau đó pha với nước và tưới. Nhưng những thứ này không được phân chất rỏ ràng hơn nữa lại có mùi và có thể có nhiều vi trùng hay nấm bệnh trong đó.
Một ông chủ tiệm may nói là, khi còn ở đường Phan Đình Phùng, Saigon, ông ngâm đầu tôm xương cá trên sân thượng, mấy tháng sau đó dùng để tưới cho lan cây lớn mạnh và cho nhiều hoa. Ông tiếc rằng không thể thực hành tại đây vì hàng xóm phàn nàn vì mùi hôi nồng nặc.
Một số hội viên các Hội Hoa Lan Hoa Kỳ ở miền Nam California, theo lời khuyến cáo của một diễn giả khuyên là nên dùng phân bò bón cho cây lan Hạc Đính Phaius tankervillae. Hỏi cách bón ra sao? Ông ta nói: cứ việc lấy phân bò lót vào đáy chậu rồi trồng lan lên trên. Báo hại 80-90% cây bị thối rễ và chết. Cách tốt hơn cả là ngâm phân trong nước khoảng 2-3 tuần lễ rồi pha loãng với nước để tưới cho lan, nhưng phải chịu ngửi mùi phân bò trong 2-3 ngày.
Ngay cả phân cá, dù đã để 2-3 năm vẫn còn mùi hôi thối dụ dỗ những đàn ruồi nhặng ở đâu kéo đến. Vấn đề khác là những cây yếu đuối thường bị vi trùng có sẵn trong phân hữu cơ dễ dàng xâm nhập và lây lan đến những cây khác.
Thực tế cho chúng ta biết phân hữu cơ khá tốt cho lan vì các thứ phân này không quá mạnh, nhưng cách biến chế không rõ rệt phải tùy theo kinh nghiệm lại thêm nặng mùi và không bảo đảm về vệ sinh cho cây cối.
Phân hóa học cũng không quá đắt mà lại được phân chất rõ ràng, bảo đảm cho hiệu quả. Người ta cũng khuyên rằng không nên dùng một thương hiệu mà nên thay đổi, nhưng không thấy ai nói rõ là tại sao.
Mong rằng những kinh nghiệm kể trên sẽ giúp chúng ta có những cây lan khỏe mạnh và nhiều hoa.
Nguồn: HOA LAN VIỆT NAM