Trên con đường ra đi khai phá miền đất hoang sơ, màu mỡ phương Nam, người Việt đã mang theo những kiến thức kinh nghiệm vốn được un đúc trong cuộc sống mấy ngàn năm trên đất Bắc. Những kinh nghiệm đốt rẫy, phá rừng, trồng cây, đánh cá... trong đó có cả một vốn kinh nghiệm quí báu rất thiết thực trong cuộc sống hàng ngày: Chọn lựa và chế biến thức ăn để sinh tồn. Nơi đây, thiên nhiên hào phóng quá, đã cho con người biết bao cây trái thực phẩm ngọt ngon lành bổ.
Thực phẩm thì thế nhưng công cụ chế biến sao có đầy đủ như chốn quê nhà! Trong rừng sâu, nơi sông rộng... làm sao có cái cối xay bột để làm nên những chiếc bánh? Làm sao có cái chỏ đồng để thổi mâm xôi? Và vì thế, món ăn đã được từng bước cải thiện theo yêu cầu của cuộc sống.
Cái bánh phồng hoang dã, giã từ nếp trong vỏ cây đã thay thế cái bánh đa giòn rộm bà, mẹ vẫn làm quà cho ta sau mỗi phiên chợ, ngày ta còn thơ ấu. Đĩa nhỏ, đĩa to trong mâm cao cổ đầy nay thay bằng những ngọn lá mít, lá sen... đựng thức ăn nơi hoang dã. Rồi chú cá đánh bắt được, tươi béo đến mê người, nướng trui hoài ăn mãi cũng chán, đành mượn tộ đất kho tạm. Và từ buổi hoang sơ đầu tiên ấy, đến nay món cá kho tộ đã dành được một vị trí trong danh mục những món ăn của hương quê Nam bộ.
Văn hóa là cái đẹp, mà theo năm tháng không ngừng tiến triển. Văn hoá ẩm thực cũng thế. Miếng ăn từ nơi cội nguồn, ngày mỗi được tiếp thu, phát huy, sáng tạo. Từ con cá, hạt muối, người chế biến đã biết đưa dần những phụ gia có những hương vị hạp nhau, tác động hỗ tương để chất lượng món ăn nâng cao hơn, bổ sung cho nhau những chất bổ dưỡng, điều phối qui luật âm dương cân bằng. Từ đó, củ gừng cay, chân hành nồng, trái ớt chín đỏ nước màu dừa sánh mật ong... đã góp thêm hương vị, thêm sắc của Nam bộ, khiến nó đã ngang nhiên kiêu hãnh trên mâm tiệc của những nhà hàng khách sạn cao sang, làm biết bao du khách phải ngẩn ngơ khi đã một lần nếm thử!
* Cá dành kho tộ phải là cá thật tươi. Có thể chọn cá lóc, bông lau, tra, hú, chẽm... Những con cá không tươi, nếu đã rửa qua rượu mà vẫn còn mùi, không thể kho được.
* Một tộ cá trong bữa cơm hàng ngày của một gia đình 4 nhân khẩu, lượng cá khoảng 250g, đường thắng (hoặc nước màu dừa) một muỗng canh, thịt ba chỉ (ba rọi) 100g, và các gia vị bột ngọt, nước mắm, ớt, tỏi, gừng, tiêu, hành lá, ít nhiều tuỳ khẩu vị của người ăn.
* Cá làm thật sạch, chọn phần giữa, cắt khúc dày khoảng 1 phân rưỡi. Có thể chao cá qua dầu nóng rồi vớt để ráo (một trong những phương pháp khử mùi tanh).
* Thịt ba chỉ cắt từng miếng mỏng.
* Chân hành phần trắng đập dập, phần cọng xanh cắt nhỏ.
* Ớt đỏ, gừng cắt sợi.
* Tỏi băm.
* Ướp cá, thịt các gia vị trên.
* Cho mỡ hoặc dầu vào tô nóng, cho một muỗng canh đường vào tộ đảo đều đến độ có màu vàng nâu cho cá, thịt đã ướp vào xóc đều.
* Cho tiếp nước dừa hoặc nước dùng vừa đủ độ xâm xấp. Kho cá bằng lửa nhò. Khi cá sôi, nếu có bọt thì vớt bỏ. Đến lúc nào tộ cá có độ nước sền sệt cho tiếp ớt đỏ cắt chỉ và hành lá phần xanh. Lúc này rưới thêm vào cá một ít mỡ nước để miếng cá có độ bóng, màu vàng nâu, trông rất gợi sự thèm ăn.
* Món cá kho tộ ăn với cơm trắng, có thể dọn kèm thêm rau xà lách, rau thơm, dưa leo, cà chua ... vừa tăng thêm vị, vừa tạo thêm các sinh tố có từ rau củ quả tươi sống.
Sau những giờ phút lao động vất vả, dừng chân nghỉ trưa dưới một lùm cây rợm bóng mát, bên một con kênh nước chảy trong xanh. Những ngọn gió từ cánh đồng khai phá xa xa thổi cát mát rượi phủ ngập cả người. Chỉ một thoáng nồi cơm gạo mới phương Nam đã đun chín bay tỏa hương thơm. Con cá mới đây còn quẫy nước giờ đã được cắt khoanh, màu vàng nâu bóng đầy gợi cảm trong tộ đất còn nóng hổi. Hương cơm, hương cá quện thành một thứ cảm giác lạ lùng, đeo đẳng theo đời ta trong suốt dặm dài... Mai đây dẫu có được ăn sơn hào hải vị cũng không thể nào quên!
Theo amthucvietnam